Nhu cầu gỗ tròn và gỗ xẻ tại thị trường Trung Quốc dự báo tăng mạnh cùng với việc giảm nguồn cung từ một số nước cung cấp gỗ nguyên liệu như Nga, Myanmar sẽ đẩy giá gỗ nguyên liệu tăng mạnh.
Theo dự báo của Vụ Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Chính phủ Trung Quốc đang kỳ vọng vào lĩnh vực xây dựng nhà ở năm 2012-2013, thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân. Kế hoạch này sẽ hỗ trợ tiêu dùng và nhập khẩu gỗ xẻ, gỗ tròn và một số sản phẩm khác.
Sau khi tăng trưởng mạnh vào năm 2009-2011, các sản phẩm gỗ và ngành gỗ công nghiệp vào thị trường Trung Quốc sụt giảm, hàng bán chậm, lượng hàng tồn kho tăng. Tuy nhiên, nguồn cung cấp gỗ tròn và gỗ xẻ khai thác trong nước dự kiến sẽ thắt chặt hơn trong vòng 1-2 năm sẽ đẩy nhu cầu và giá lên cao.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho hay mặc dù các doanh nghiệp đã chuyển sang sử dụng gỗ rừng trồng trong nước khá nhiều, các công ty chế biến và xuất khẩu gỗ nội địa vẫn phải dựa vào nguồn gỗ tròn, gỗ xẻ nhập khẩu từ các nước New Zealand, khu vực EU, Mỹ, Canada… Hàng năm Việt Nam bỏ ra hơn 1 tỷ đôla Mỹ để nhập khẩu các loại gỗ nguyên liệu.
Do vậy, các doanh nghiệp cần phải theo dõi sát dự báo để có kế hoạch tồn trữ nguyên liệu, tránh gặp khó khi giá nguyên liệu tăng cao. Theo đánh giá của các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ, năm 2012 là thời điểm giá gỗ nguyên liệu ít biến động so với các năm trước. Hiện tại Mỹ và Canada là hai nguồn cung cấp chính tới thị trường Trung Quốc với khối lượng gỗ xẻ mềm lên đến 50% tổng nhập khẩu gỗ xẻ của Trung Quốc.
Trong 8 tháng đầu năm, khối lượng nhập khẩu gỗ của Trung Quốc giảm 21% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu gỗ trung bình hàng tháng trong năm 2012 của Trung Quốc chỉ đạt 450.000 mét khối, thấp hơn đáng kể so với năm 2011. Tuy nhiên, việc Trung Quốc đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong nước sẽ thúc đẩy nhu cầu trong xây dựng.
Mặc dù nhu cầu tiêu dùng đang suy giảm mạnh nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia lớn trên thế giới về sản xuất, tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ như gỗ mềm, gỗ cứng, gỗ xẻ, gỗ tấm. Do vậy, Bộ Công Thương dự báo họ vẫn sẽ tiếp tục chi phối khối lượng và giá gỗ trên toàn cầu. Đồng thời, nguồn cung gỗ nguyên liệu từ thị trường Myanmar và Nga cũng đang gặp khó khăn được dự báo cũng sẽ góp phần vào việc tăng giá nguyên liệu gỗ.
Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, đến hết ngày 15/11, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 3,9 tỷ đôla Mỹ, tăng 16,7% so với cùng kỳ; trong khi đó kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (chủ yếu là nguyên liệu) đạt 1,2 tỷ đôla Mỹ, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm 2011.