Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp luôn tồn tại âm thầm trong thực tế hoạt động của mọi doanh nghiệp.
I/ Khái niệm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
1 – Tai nạn lao động
– Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
– Người bị tai nạn lao động phải được cấp cứu kịp thời và điều trị chu đáo. Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.
Bệnh nghề nghiệp
– Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.
– Người bị bệnh nghề nghiệp phải được điều trị chu đáo, khám sức khỏe định kỳ, có hồ sơ sức khỏe riêng biệt.
– Danh mục các loại bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành sau khi lấy ý kiến của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam và đại diện của người sử dụng lao động.
– Trách nhiệm của người sử dụng lao động khi tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp xảy ra ở đơn vị mình
- Người sử dụng lao động phải chịu toàn bộ chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị xong cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp. Người lao động được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Nếu doanh nghiệp chưa tham gia loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, thì người sử dụng lao động phải trả cho người lao động một khoản tiền ngang với mức quy định trong Điều lệ bảo hiểm xã hội.
- Người sử dụng lao động phải trả nguyên lương cho người lao động trong thời gian người lao động nằm viện điều trị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
- Người sử dụng lao động phải khai báo, phối hợp điều tra, lập biên bản, thống kê và báo cáo định kỳ theo quy định của pháp luật tất cả các vụ tai nạn lao động, các trường hợp bị bệnh nghề nghiệp xảy ra ở đơn vị mình cho cơ quan có thẩm quyền.
- Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường hoặc trợ cấp cho người lao động.
2 – Chế độ bồi thường
– Tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp theo quy định dưới đây làm suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên hoặc bị chết thì được bồi thường.
– Tai nạn lao động xảy ra do tác động bởi các yếu tố nguy hiểm, độc hai trong lao động gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong trong quá trình lao động gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động (kể cả thời gian giải quyết các nhu cầu cần thiết trong thời gian làm việc theo Bộ Luật Lao động quy định như: nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh, thời gian chuẩn bị và kết thúc công việc).
– Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do các yếu tố điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động tới người lao động theo danh mục các loại bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành.
– Danh mục 21 bệnh nghề nghiệp được bồi thường (Ban hành kèm theo các Thông tư Liên bộ số 08/TTLB ngày 19/5/1976, Thông tư Liên bộ số 29/TT-LB ngày 25/12/1991 và Quyết định số 167/BYT-QĐ ngày 4/2/1997 của Bộ Y Tế)
Nhóm I: Các bệnh bụi phổi và phế quản
1.1. Bệnh bụi phổi – Silic nghề nghiệp
1.2. Bệnh bụi phổi Atbet (Amiăng)
1.3. Bệnh bụi phổi bông
1.4. Bệnh viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp
Nhóm II: Các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp
2.1. Bệnh nhiễm độc chì và các hợp chất chì
2.2. Bệnh nhiễm độc Benzen và các hợp chất đồng đẳng của Benzen
2.3. Bệnh nhiễm độc thuỷ ngân và các hợp chất của thuỷ ngân
2.4. Bệnh nhiễm độc mangan và các hợp chất của mangan
2.5. Bệnh nhiễm độc TNT ( trinitro toluen)
2.6. Bệnh nhiễm độ asen và các chất asen nghề nghiệp
2.7. Nhiễm độc chất Nicotin nghề nghiệp
2.8. Bệnh nhiễm độc hoá chất trừ sâu nghề nghiệp
Nhóm III: Các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý
3.1. Bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ
3.2. Bệnh điếc do tiếng ồn
3.3. Bệnh rung chuyển nghề nghiệp
3.4. Bệnh giảm áp mãn tính nghề nghiệp.
Nhóm IV: Các bệnh da nghề nghiệp
4.1. Bệnh sạm da nghề nghiệp
4.2. Bệnh loét da, loét vách ngăn mũi, viêm da, chàm tiếp xúc
Nhóm V: Các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp
5.1. Bệnh lao nghề nghiệp
5.2. Bệnh viêm gan vi rút nghề nghiệp
5.3. Bệnh do soắn khuẩn Leptospira nghề nghiệp
II/ Điều kiện để người lao động được bồi thường
1 – Đối với tai nạn lao động
– Người lao động bị tai nạn lao động nếu nguyên nhân tai nạn lao động xảy ra do lỗi của người sử dụng lao động theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động.
– Việc bồi thường được thực hiện từng lần. Tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện bồi thường lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
2 – Đối với bệnh nghề nghiệp
– Người lao động bị bệnh nghề nghiệp được bồi thường theo kết luận của biên bản kết luận của cơ quan Pháp y hoặc của Hội đồng Giám định Y khoa có thẩm quyền trong các trường hợp:
+ Bị chết do bệnh nghề nghiệp khi đang làm việc hoặc trước khi chuyển làm công việc khác, trước khi thôi việc, trước khi mất việc, trước khi nghỉ hưu.
+ Thực hiện khám giám định bệnh nghề nghiệp định kỳ (theo quy định của Bộ Y tế) để xác định mức độ suy giảm khả năng lao động.
– Việc bồi thường bệnh nghề nghiệp được thực hiện từng lần theo quy định sau: Lần thứ nhất căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động lần khám đầu và sau đó kể từ lần thứ hai trở đi căn cứ vào mức (%) suy giảm khả năng lao động tăng lên để bồi thường phần chênh lệch mức (%) suy giảm khả năng lao động tăng hơn so với lần trước liền kề.
3 – Mức bồi thường
– Mức bồi thường tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp được tính như sau:
– Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
– Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10% sau đó nếu bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% đến dưới 81% thì cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có).
Cách tính mức bồi thường:
– Cách tính mức bồi thường đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% đến dưới 81% được tính theo công thức dưới đây hoặc tra theo bảng tính mức bồi thường, trợ cấp theo mức suy giảm khả năng lao động từ 5% đến tử vong.
Tbt = 1,5 + {(a – 10) x 0,4}
Trong đó:
+ Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng lương và phụ cấp lương nếu có);
+ 1,5: Mức bồi thường khi suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%;
+ a: Tỷ lệ (%) suy giảm khả năng lao động của người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
+ 0,4: Hệ số bồi thường khi suy giảm khả năng lao động tăng 1%.
Ví dụ:
Ông A, bị bệnh nghề nghiệp, sau khi giám định lần thứ nhất xác định mức suy giảm khả năng lao động là 15%. Mức bồi thường được tính như sau:
+ Mức bồi thường lần thứ nhất cho Ông A là: Tbt = 1,5 + {(15 – 10) x 0,4} = 3,5 (tháng lương và phụ cấp lương nếu có).
+ Định kỳ, ông A giám định sức khoẻ lần thứ hai mức suy giảm khả năng lao động là 35% (mức suy giảm khả năng lao động đã tăng hơn so với lần thứ nhất là 20%).
+ Mức bồi thường lần thứ hai cho ông A là: Tbt = 20 x 0,4 = 8,0 (tháng lương và phụ cấp lương nếu có).
4 – Chế độ trợ cấp
– Người lao động bị tai nạn lao động trong các trường hợp sau thì được trợ cấp:
– Tai nạn lao động xảy ra do lỗi trực tiếp của người lao động theo kết luận của Biên bản điều tra tai nạn lao động;
– Tai nạn được coi là tai nạn lao động là tai nạn xảy ra đối với người lao động khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở hoặc tai nạn do những nguyên nhân khách quan như thiên tai, hoả hoạn và các trường hợp rủi ro khác gắn liền với việc thực hiện các công việc, nhiệm vụ lao động hoặc không xác định được người gây ra tai nạn xảy ra tại nơi làm việc.
– Việc trợ cấp được thực hiện từng lần. Tai nạn lao động xảy ra lần nào thực hiện trợ cấp lần đó, không cộng dồn các vụ tai nạn đã xảy ra từ các lần trước đó.
5 – Mức trợ cấp
– Mức trợ cấp tai nạn lao động được tính như sau:
– Ít nhất bằng 12 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc chết do tai nạn lao động; ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương và phụ cấp lương (nếu có) đối với người bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%, nếu bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% đến dưới 81% thì theo công thức dưới đây hoặc tra bảng tính bồi thường, trợ cấp theo tỷ lệ suy giảm khả năng lao động từ 5% đến tử vong.
Cách tính mức trợ cấp
(Như tính mức bồi thường và nhân kết quả tính mức bồi thường với 0,4).
Ttc = Tbt x 0,4
Trong đó:
+ Ttc: Mức trợ cấp cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng lương và phụ cấp nếu có);
+ Tbt: Mức bồi thường cho người bị suy giảm khả năng lao động từ trên 10% trở lên (đơn vị tính: tháng lương và phụ cấp lương nếu có);
Ví dụ:
Ông B, bị tai nạn lao động (nguyên nhân: lỗi trực tiếp do ông B đã vi phạm quy định về an toàn), sau khi giám định lần thứ nhất xác định mức suy giảm khả năng lao động là 15%. Mức trợ cấp được tính như sau:
Mức trợ cấp lần thứ nhất cho ông B là:
Ttc = Tbt x 0,4 = 3,5 x 0,4 = 1,4 (tháng lương và phụ cấp lương nếu có).
Lần thứ hai ông B bị tai nạn xảy ra khi đi từ nơi làm việc về nơi ở (tai nạn được coi là tai nạn lao động), sau khi giám định sức khoẻ lần thứ hai mức suy giảm khả năng lao động là 20%.
Mức trợ cấp lần thứ hai cho ông B là:
Ttc = 5,50 x 0,4 = 2,20 (tháng lương và phụ cấp lương nếu có).
– Các mức bồi thường, trợ cấp theo quy định là tối thiểu, Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện bồi thường, trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ở mức cao hơn.
– Tiền lương làm căn cứ tính tiền bồi thường hoặc trợ cấp là tiền lương theo hợp đồng lao động, được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi tai nạn lao động xảy ra hoặc trước khi được xác định bị bệnh nghề nghiệp, gồm lương cấp bậc, chức vụ. phụ cấp khu vực, phụ cấp chức vụ (nếu có) theo quy định hiện hành.
– Trường hợp thời gian làm việc không đủ 6 tháng thì lấy mức tiền lương của tháng liền kề hoặc tiền lương theo hình thức trả lương tại thời điểm xảy ra tai nạn lao động, xác định bị bệnh nghề nghiệp để tính bồi thường, trợ cấp.
– Các đối tượng được người sử dụng lao động bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp vẫn được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (nếu có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc) quy định tại Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính Phủ về việc ban hành Điều lệ Bảo hiểm xã hội.