Hiện nay hơn 80% gỗ nguyên liệu thô cho ngành công nghiệp chế biến gỗ ở Việt Nam được nhập khẩu và sự tăng trưởng kinh tế trong lâm nghiệp không thể bền vững với những loài gỗ khan hiếm tại khu vực như Teak, Keruing và Balau.
Việc khai thác quá mức một vài loài gỗ thương mại có giá trị cao đã dẫn đến sự thay đổi về cấu trúc loài cây trong rừng tự nhiên Việt Nam. Hiện nay gỗ cung ứng trong nước cho ngành chế biến gỗ bao gồm cả gỗ có chất lượng thấp, gỗ có đường kính nhỏ và số lượng loài rất hạn chế.
Bởi vậy rõ ràng cần cải thiện việc sử dụng và quản lý rừng tự nhiên bằng việc sử dụng đa dạng hơn các loài gỗ – loài gỗ ít được biết đến (LKTS).
Phần lớn các công ty lâm nghiệp ở Việt Nam có các diện tích rừng tương đối nhỏ nhưng lại có hàng trăm loài cây. Tuy nhiên chỉ có một lượng nhỏ các loài cây được sử dụng lấy gỗ và hầu như đã được khai thác hết. Do đó những cánh rừng này có giá trị kinh tế thấp – trong khi đó giá trị kinh tế lại là yếu tố giúp các công ty lâm nghiệp vượt qua những khó khăn về chi phí quản lý cao khi áp dụng quản lý rừng bền vững và hướng tới chứng chỉ rừng.
Việc khai thác đa dạng các loài gỗ bao gồm cả các loài gỗ ít được biết đến là một nhân tố quan trọng trong việc quản lý rừng bền vững. Sử dụng loài gỗ ít được biết đến, kết hợp với chế biến làm tăng giá trị, hướng tới chứng chỉ rừng và tiếp cận thị trường xuất khẩu có giá trị cao, có thể hỗ trợ việc thực hiện quản lý rừng bền vững.
Gần đây, một số loài gỗ ít được biết đến đã được sử dụng nhiều hơn tại các công ty chế biến gỗ, chủ yếu là do chúng có trữ lượng nhiều hơn, giá rẻ hơn, khả năng gia công chế biến dễ và chất lượng hoàn thiện bề mặt tốt, kết quả là chúng được chấp nhận ở thị trường địa phương. Tuy nhiên việc lựa chọn loài gỗ thường phụ thuộc vào truyền thống và thị hiếu của khách hàng. Rất ít công ty chế biến nỗ lực tham khảo tài liệu sẵn có hoặc thuyết phục khách hàng tiềm năng sử dụng các loài gỗ khác nhau. Tiềm năng của một số các loài gỗ ít được biết đến thường là không được nhận ra.
Từ số này Tạp chí gỗ Việt sẽ giới thiệu đến bạn đọc 18 loài gỗ ít được biết đến ở Việt Nam với các số liệu về loài gỗ và các nhóm sản phẩm khác nhau.
Thông tin về các loài gỗ ít được biết đến là kết quả của dự án “Thúc đẩy các loài gỗ ít được biết đến của Việt Nam” do Quỹ Quốc tế về Bảo vệ Thiên nhiên và Chương trình Lâm nghiệp Việt-Đức đồng thực hiện.