Tiếng là có nhiều cơ hội trong năm 2016 khi VN đã kết thúc đàm phán các FTA, nhưng các DN ngành gỗ vẫn có nhiều điều lo lắng cho tương lai của mình khi phải đối diện nhiều khó khăn.
Tôi cho rằng ngành gỗ năm 2016 sẽ chỉ tăng trưởng khoảng 5% so với năm 2015, vì 3 điểm.
3 khó khăn năm 2016
Thứ nhất, về gỗ nguyên liệu từ 2016, các thị trường nhập khẩu đồ gỗ đều đòi hỏi các chứng chỉ gỗ hợp pháp, trong khi đó VN chưa có các hướng dẫn cụ thể. Gần đây, các hợp đồng ký kết đã giảm đi ít nhiều vì lý do này, mọi năm quý IV đã ký được 50 – 60% cho đơn hàng năm sau nhưng năm nay tình hình ký hợp đồng rất khó khăn do không có nguồn gỗ nguyên liệu.
Về nguyên liệu từ 2016, các thị trường nhập khẩu đồ gỗ đều đòi hỏi các chứng chỉ gỗ hợp pháp, trong khi đó VN chưa có các hướng dẫn cụ thể
Thứ hai, chính sách vĩ mô 2016 có thông thoáng không hay vẫn bó hẹp tiền vay, lãi suất, tỉ giá… vẫn là điều mà các DN ngành gỗ lo lắng và chưa có lời giải.
Thứ ba, các thông tin về FTA, TPP, AEC… dù đã kết thúc đàm phán nhưng các DN vẫn chưa nắm được các cam kết cụ thể, DN vẫn rất mù mờ về các thông tin này. Dù dự báo việc ký kết FTA với các thị trường sẽ mở rộng được thị phần, nhưng thuế quan ngành gỗ hầu như không được hưởng lợi bởi ngành gỗ từ 10 năm nay đã được hưởng thuế bằng 0%, nhưng lại bất lợi về hàng rào phi thuế quan chẳng hạn như rào cản kỹ thuật. Đây là điều lo lắng bởi hầu hết các DN ngành gỗ chưa chuẩn bị kỹ câu chuyện này. Riêng FTA VN – EU có chương xuất xứ, trong đó quy định tất cả các loại gỗ phải có đầy đủ hồ sơ để chứng minh nguồn gốc, xuất xứ… Nhưng cụ thể như thế nào thì đến nay DN vẫn chưa có thông tin gì.
Hay như trong TPP quy định nguồn nguyên liệu phải được nhập khẩu từ 12 nước thành viên, nhưng với ngành gỗ thì các thị trường nhập khẩu phần lớn không nằm trong nhóm 12 nước TPP. Đây là điều vô cùng khó khăn cho ngành gỗ.
Thị trường vẫn đang rộng mở
Năm 2016, ngành gỗ có chủ trương giữ vững các thị trường truyền thống, trong khi đó sẽ tìm cách để mở rộng sang các thị trường mới. FTA VN – Liên minh kinh tế Á Âu là một cơ hội rất lớn để ngành gỗ mở rộng XK sang thị trường này. Hiện nay, thị trường Nga đang là một thị trường tiềm năng mà ngành gỗ Việt nhắm tới, tuy nhiên, để vào được thị trường này cũng không phải “một sớm, một chiều” là được. Hiện mỗi năm, thị trường này mới nhập khoảng vài chục triệu USD các sản phẩm gỗ Việt, đây là con số quá ít ỏi so với tiềm năng thực sự.
Một đoàn DN XK gỗ VN vừa có chuyến khảo sát thị trường Nga, đây là một thị trường rất tiềm năng mà các sản phẩm gỗ XK VN có thể tiêu thụ với số lượng lớn. Dự kiến thị trường Nga mỗi năm sẽ tiêu thụ khoảng 1 tỷ USD. Tuy nhiên, các DN ngành gỗ mong muốn Chính phủ hai bên sẽ có những hỗ trợ cụ thể hơn để gỗ Việt có thể XK nhiều hơn sang thị trường tiềm năng này. Hiện nay đã có 5 DN ở Bình Dương đã đăng ký để tới năm 2017 sẽ sản xuất và tiêu thụ tại thị trường Nga.
Với TPP, có rất nhiều thị trường mới sẽ mở ra cho ngành gỗ, thông qua thị trường Hoa Kỳ, gỗ Việt có thể xâm nhập thị trường Chile, Peru… với doanh thu dự báo khoảng từ 300 – 400 triệu USD/năm. Trong tương lai TPP sẽ có thêm nhiều nước tham gia cũng sẽ là cơ hội, ví dụ như gần đây Indonesia, Hàn Quốc… cũng đã đánh tiếng muốn tham gia vào. Năm 2016, ngành gỗ cũng sẽ đẩy mạnh XK sang Hàn Quốc, hiện nay thị trường này có nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ rất lớn. Nếu thành công năm 2016, ngành gỗ có thể “kiếm” được từ thị trường này từ 700 – 800 triệu USD/năm.
Với thị trường EU là một thị trường truyền thống với 5 nước nhập khẩu lớn gồm: Đức,Pháp, Ý, Anh, Tây Ban Nha. Gần đây, một số nước Đông Âu cũ như Hungari, Bungari, Rumani… đã sang tìm gặp các nhà XK gỗ Việt đặt vấn đề muốn mua gỗ trực tiếp. Các DN ngành gỗ đang bàn thảo để tính chuyện làm ăn ở các thị trường truyền thống này.
Như vậy, thị trường XK gỗ trong những năm tới đã khai thông và hứa hẹn mang về thêm nhiều kim ngạch cho ngành gỗ. Bài toán khó khăn nhất hiện nay có lẽ là nguồn nguyên liệu, gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã định hướng những năm tới ngành gỗ sẽ sử dụng gỗ trong nước. Nhà nước sẽ đầu tư đề trồng rừng, đặc biệt sẽ để thời gian cây trồng lâu hơn để có gỗ nguyên liệu tốt hơn trong đó gỗ cao su là một nguồn nguyên liệu tốt được các thị trường rất ưu chuộng.
Các DN ngành gỗ kiến nghị, Nhà nước cần phải có quỹ cho vay để các DN ngành gỗ cải tiến công nghệ sản xuất, hiện công nghệ của Đài Loan, Trung Quốc công suất thấp, không đáp ứng yêu cầu. Thứ hai, sẽ đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực. Thứ ba, phát triển gỗ nguyên liệu và đẩy mạnh tiêu thụ tại thị trường nội địa.