Chiều ngày 23/3, tại trụ sở Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đã chủ trì buổi làm việc với Tổng cục Môi trường về công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Tham dự buổi làm việc còn có đại diện lãnh đạo Thanh tra Bộ, Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ.
Kết quả thanh tra, kiểm tra cho thấy các vi phạm và tồn tại tập trung vào 05 nhóm hành vi vi phạm: (1) Nhóm hành vi vi phạm các thủ tục hành chính, chế độ báo cáo và thực hiện không đúng, không đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận; (2) Nhóm hành vi vi phạm về quản lý chất thải nguy hại; (3) Nhóm hành vi vi phạm về tự ý điều chỉnh, thay đổi thiết kế, công nghệ của các công trình xử lý chất thải nhằm xả trộm chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường; (4) Nhóm hành vi xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho phép ra ngoài môi trường, gây ô nhiễm môi trường; (5) Nhóm hành vi kê khai thiếu hoặc trốn phí bảo vệ môi trường đối với nước thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại và các loại phí môi trường khác.Báo cáo tại buổi làm việc, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, năm 2015, công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường được tăng cường; chủ động phát hiện và xử lý kịp thời, có tính răn đe đối với các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó đã phản ánh thực trạng chấp hành pháp luật, những tồn tại trong quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại địa phương nhằm có hướng khắc phục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường tại các địa phương. Năm 2015, Tổng cục đã thanh tra, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường tại 1.076 cơ sở trên địa bản 29 tỉnh, thành phố (trong đó có 1045 đối tượng thanh tra về bảo vệ môi trường và 31 đối tượng thanh tra về bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học) và đã ban hành 426 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền xử phạt trên 50 tỷ đồng.
Năm 2016, công tác kiểm soát hoạt động bảo vệ môi trường sẽ tập trung vào các nội dung chính như: ổn định, kiện toàn bộ máy tổ chức làm công tác kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường; tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung những khoảng trống, những bất cập của chính sách pháp luật; chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Tổng cục triển khai thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra; giải quyết dứt điểm các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về môi trường; tiếp tục tập trung thực hiện rà soát các dự án đã được Bộ TN&MT phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường để xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường…
Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị đã đưa ra ý kiến thảo luận, tháo gỡ các vướng mắc trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo vệ môi trường như lực lượng kiểm tra, thanh tra chuyên ngành về môi trường còn mỏng; nhiều đối tượng trốn tránh việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; việc đưa chi tiết từng đối tượng vào kế hoạch thanh tra là không phù hợp…
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng, công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường chính là công cụ giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về môi trường. Trong thời gian qua, Luật Bảo vệ môi trường và Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã được ban hành cùng với Bộ luật Hình sự với các quy định về tội phạm môi trường mới được ban hành đã tạo hành lang pháp lý và chế tài đủ sức răn đe với các tổ chức, cá nhân gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, công tác bảo vệ môi trường tại Việt Nam đã có chuyển biến tích cực, các doanh nghiệp đã quan tâm hơn về vấn đề bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Để phát huy tốt hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường trong thời gian tới, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân đề nghị Tổng cục Môi trường phối hợp với Thanh tra Bộ, các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành của Bộ và các địa phương thống nhất, xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường không chồng chéo, trùng lắp trên địa bàn các tỉnh; tập trung xử lý nghiêm và dứt điểm đối với những nguồn xả thải chính gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, nâng cao tính răn đe đối với các hành động hủy hoại môi trường.
Theo Monre
(Nguồn
,