TS.BS Huỳnh Tấn Tiến – Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường TP.HCM khuyến cáo người lao động (NLĐ) cần cẩn trọng để hạn chế bệnh nghề nghiệp (BNN).
Theo TS.BS Huỳnh Tấn Tiến, BNN là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có của nghề nghiệp tác động tới NLĐ. Bệnh xảy ra từ từ hoặc cấp tính, một số BNN không thể chữa khỏi và để lại di chứng.
Tuy nhiên, BNN có thể phòng tránh được và hiện có một số bệnh mà NLĐ cần cẩn trọng trong khi làm việc, điển hình là bệnh điếc nghề nghiệp, bệnh bụi phổi…
Bệnh điếc nghề nghiệp
NLĐ làm việc trong các xưởng cơ khí, xưởng gỗ… nếu không được trang bị bảo hộ lao động như đeo nút chống ồn, chụp tai thường mắc bệnh điếc nghề nghiệp. Theo kết quả khám 14 BNN của Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường TP.HCM, hiện NLĐ mắc bệnh điếc nghề nghiệp khá cao.
Cụ thể, khoa khám BNN của Trung tâm đã khám cho 2.843 NLĐ, trong đó có 9 người mắc bệnh điếc nghề nghiệp và có đến 296 người phải theo dõi về tình trạng bệnh điếc. Trong khi đó, đối với bệnh viêm phế quản mãn tính chỉ có 2/734 người mắc bệnh và bệnh nhiễm độc chì cũng chỉ có 2/281 người mắc bệnh.
TS.BS Huỳnh Tấn Tiến, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2015 Trung tâm lấy mẫu đo đạc các yếu tố liên quan đến môi trường lao động tại 492 cơ sở thì có đến 783/5.787 mẫu tiếng ồn vượt tiêu chuẩn cho phép, tỷ lệ vượt mẫu là 13,53%. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến gia tăng bệnh điếc nghề nghiệp.
Khám bệnh nghề nghiệp cho công nhân
Theo TS.BS Huỳnh Tấn Tiến, những NLĐ làm việc ở môi trường có tiếng ồn từ 85 dBA trở lên, tiếp xúc liên tục dần dần sẽ bị giảm thính lực, nếu tiếp xúc từ 3 tháng trở lên và mỗi ngày trên 6 giờ sẽ dẫn tới điếc nghề nghiệp.
Triệu chứng ban đầu của bệnh là nghe kém, người bệnh thường không biết. Bệnh thường diễn biến làm 3 giai đoạn với thời gian khác nhau tùy theo từng người.
Giai đoạn đầu xảy ra từ vài tuần đến vài tháng sau khi tiếp xúc với tiếng ồn, người bệnh cảm thấy ù tai, mệt mỏi, khó chịu, cảm giác tức ở hai tai, đau đầu, mất ngủ…
Giai đoạn tiềm tàng: chỉ có triệu chứng duy nhất là nghe kém, nghe kém ngày càng tăng, kéo dài hàng tháng, hàng năm tùy theo mỗi người. Giai đoạn rõ rệt: người bệnh nhận thấy mình nghe kém khi giao tiếp ngôn ngữ, nghe kém cả hai tai ngày càng tăng đưa tới điếc, điếc không hồi phục.
“Để hạn chế điếc nghề nghiệp, khi làm việc trong môi trường tiếng ồn NLĐ cần sử dụng các dụng cụ bảo vệ như nút tai, loa che tai… Người sử dung lao động nên bố trí thời gian làm việc hợp lý cho NLĐ, khám sức khỏe định kỳ, đo thính lực để phát hiện sớm và có biện pháp xử lý kịp thời” – TS.BS Huỳnh Tấn Tiến, khuyến cáo.
Bệnh bụi phổi Silic
Theo ThS.BS Nguyễn Thị Hương – Chủ tịch Hội Vật lý trị liệu TP.HCM, bệnh bụi phổi Silic là tình trạng bệnh lý ở phổi do hít thở bụi có chứa Silic trong môi trường lao động. Tác nhân gây bệnh bụi phổi Silic là Silic tự do (SiO2). Đây là bệnh không hồi phục và hiện chưa có thuốc điều trị.
NLĐ làm công việc như: khai thác than và khoáng sản, khoan đường hầm xuyên núi đá; các nghề thường xuyên tiếp xúc với cát như: phun, trát, đánh gỉ, mài nhẵn, đánh bóng đá, thủy tinh, làm khuôn cát; trong ngành công nghiệp luyện kim, đúc; công nghệ sản xuất đá cho vật liệu xây dựng.
Với nghề sành, sứ, đồ gốm, sản xuất gạch chịu lửa, xay khoáng sản; những nha sĩ làm răng giả… thường dễ nhiễm bệnh này và đặc biệt những người mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp mãn tính có nguy cơ nhiễm bệnh bụi phổi Silic cao hơn người bình thường.
ThS.BS Nguyễn Thị Hương cho biết triệu chứng của bệnh là khó thở khi gắng sức nhưng về sau có thể khó thở liên tục và đôi khi khó thở dạng suyễn (có co kéo lồng ngực và nghe thở khò khè). Tiếp đến bệnh nhân bị ho, lúc đầu ho khan, về sau ho có đàm.
Triệu chứng ho phụ thuộc vào người bệnh và thời tiết (dễ ho khi thời tiết lạnh và ẩm thấp). Với những người hút thuốc lá nhiều hay có tiền sử bệnh phổi, ho thường hơn.
Diễn tiến bệnh bụi phổi Silic thường âm thầm, từ từ và kéo dài nhiều năm, không thể hồi phục được. Bệnh không có thuốc đặc hiệu, chỉ có thể chữa trị triệu chứng, giúp bệnh nhân bớt khó thở, bớt ho, nhiễm trùng (nếu có).
Về lâu dài khi bệnh nhân bị suy hô hấp nặng phải hỗ trợ thở oxy. Bệnh bụi phổi Silic được phân loại làm ba thể: mãn tính (mắc bệnh sau 15-20 năm tiếp xúc với bụi Silic); bán cấp tính (sau 5-10 năm); cấp tính (dưới 5 năm).
Người bị bệnh bụi phổi Silic có thể chết trong vòng 10-20 năm sau khi khởi bệnh. Tuy nhiên, bệnh nhân chết thường không do bệnh bụi phổi Silic mà đa số là do biến chứng của bệnh như dễ bị bệnh lao, dễ bị viêm phổi; giãn phế quản, viêm phế quản, viêm mủ màng phổi; tràn khí màng phổi, khí thủng phổi, hoại tử vô khuẩn; tim giãn nở, tim đập nhanh, suy tim, tổn thương mạch vành…
Theo ThS. BS Nguyễn Thị Hương, để phòng ngừa bệnh bụi phổi Silic thì những NLĐ làm việc trong môi trường không khí có nồng độ bụi Silic cao cần thường xuyên đeo khẩu trang ngăn bụi hoặc dùng mặt nạ lọc bụi khi tiếp xúc với bụi.
Tránh lao động gắng sức cao vì nếu hô hấp tăng làm cho bụi tăng cường xâm nhập phổi. Ngoài ra, NLĐ làm việc ở những nơi có nguy cơ mắc bệnh bụi phổi Silic cao cần được khám sức khỏe tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ.
Trong đợt khám sức khỏe định kỳ nên phối hợp khám BNN và tiến hành chụp X-quang cho các đối tượng có thâm niên phơi nhiễm bụi hoặc có biểu hiện bệnh lý nghi ngờ. Kết hợp chụp X-quang phổi cùng với đo chức năng hô hấp để đánh giá nguy cơ bệnh lý của người NLĐ phơi nhiễm với bụi.