Thị trường xuất khẩu đồ gỗ hơn một năm nay có dấu hiệu tốt hơn nhờ một số thị trường chính, như: Mỹ, Nhật Bản tăng đơn hàng. Bên cạnh đó, còn có cả những đơn hàng được chuyển từ Trung Quốc sang, song thách thức cho các doanh nghiệp (DN) chế biến gỗ lúc này là nguồn nguyên liệu.
Giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ năm 2013 đến nay vẫn tiếp tục tăng, trong khi nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, như: cao su, xà cừ, tràm… lại đang cạn dần.
Thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong 6 tháng đầu năm đạt kim ngạch gần 2,87 tỷ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy, khả năng đạt 6,2 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu của ngành này là rất có triển vọng. Theo các DN chế biến gỗ, tuy kim ngạch có đạt cao nhưng lợi nhuận sẽ vẫn bị giảm do giá nguyên liệu và các chi phí khác tăng.
Đối với các sản phẩm do khách hàng chỉ định loại gỗ sản xuất, DN không được tự lựa chọn loại gỗ thay thế còn phức tạp hơn. Hợp đồng được ký từ tháng 11 năm 2013, lúc đó giá gỗ tần bì của Mỹ (loại đắt nhất) là 428 USD/m3, nhưng đến tháng 3-2014, loại gỗ này tăng khoảng 100 USD/m3, đến đầu tháng 6 vừa qua tăng thêm gần 25 USD/m3 nữa. Tương tự, gỗ sồi thời điểm tháng 3 cũng tăng 60 USD/m3 và đến nay mức tăng là 105 USD/m3. “Tôi làm hàng xuất sang Mỹ, khách yêu cầu sử dụng 2 loại gỗ là tần bì và sồi. Gỗ nguyên liệu và sơn đều nhập khẩu từ Mỹ, tránh phải xác minh nguồn gốc và chất độc hại của sơn để đáp ứng quy định của nước này, vì bị chỉ định nên phải chấp nhận”.
* Gỗ nội cạn nguồn
Tuy nhiên, nguồn cung 2 loại gỗ này ngày càng giảm khiến giá cũng tăng theo. So với cuối năm 2013, hiện tại mỗi mét khối gỗ cao su tăng thêm 350 – 400 ngàn đồng và gỗ xà cừ trên dưới 500 ngàn đồng. Hiện nay, giá gỗ cao su đang ở mức xấp xỉ 6 triệu đồng/m3, gỗ xà cừ 5,5 triệu đồng/m3. “Mấy năm trước, các công ty cao su khai thác gỗ vườn cao su già để trồng mới khá nhiều nên lượng gỗ dồi dào, đến nay việc khai thác chậm lại. Bên cạnh đó, nhiều tổng công ty cao su đã có các nhà máy chế biến nên một phần họ để lại phục vụ sản xuất. Gỗ xà cừ trên thị trường từ năm 2013 đã thấy giảm mạnh do người dân trồng không nhiều”.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp – phát triển nông thôn, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 4 triệu m3 gỗ, chiếm 80% nguồn gỗ nguyện liệu cho chế biến hàng xuất khẩu. Năm 2013, ngành chế biến gỗ phát triển tốt với kim ngạch xuất khẩu đạt mức cao nhất từ trước tới nay là 5,7 tỷ USD. Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam nhận định, kim ngạch xuất khẩu năm 2014 của ngành sẽ đạt khoảng 6,2 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2013.