Mặc dù đã trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực lớn thứ 5 sau dầu thô, dệt may, giày dép và thủy sản, nhưng ngành đồ gỗ nói chung và ngành gỗ nguyên liệu nói riêng vẫn phập phồng nỗi lo về nguyên liệu khi phải nhập khẩu tới 80% nguyên liệu đầu vào.
Năm 2006, kim ngạch xuất khẩu của ngành chế biến gỗ và sản phẩm gỗ đạt 1,93 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với năm 2000. Nhờ đó, Việt Nam đã vượt Indonesia và Thái Lan để cùng với Malaysia trở thành hai nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Trước nhu cầu sử dụng đồ gỗ trên thế giới được đánh giá là còn tiếp tục tăng cao, trong khi đồ gỗ Việt Nam mới chiếm khoảng 0,78% tổng thị phần thế giới, cơ hội xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam là rất lớn. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành đồ gỗ đang đứng trước khá nhiều thách thức không dễ khắc phục.
Trong báo cáo mới nhất gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đã đưa ra một loạt giải pháp để thực hiện mục tiêu đạt 7 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này vào năm 2010. Trong đó, có các giải pháp liên quan đến xúc tiến xuất khẩu gỗ, như thành lập các trung tâm, chợ nguyên liệu gỗ để có mạng lưới ổn định cho sản xuất đồ gỗ xuất khẩu; xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, mở thị trường cho ngành đồ gỗ xuất khẩu hay xây dựng trung tâm hội chợ quốc tế có quy mô để quảng bá đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam hàng năm.
Theo Bộ Công Thương, hiện nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ thiếu trầm trọng. Hàng năm, các doanh nghiệp (DN) ngành này phải nhập khẩu trên 80% nguyên liệu gỗ, chiếm tới 37% giá thành sản phẩm. Chính do sự phụ thuộc này, nên khi giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, hiệu quả kinh doanh của các DN đã bị ảnh hưởng. Việc tìm kiếm nguồn nguyên liệu trong nước cũng được các chuyên gia cho là chưa có tiến bộ đáng kể, bởi công tác quy hoạch còn bất cập, các dự án đầu tư phát triển rừng nguyên liệu chưa được quan tâm. gỗ rừng trồng chưa có nhiều gỗ lớn, chủng loại chỉ tập trung vào một số cây ngắn ngày, nên không đáp ứng được yêu cầu chất lượng với sản phẩm xuất khẩu… Bên cạnh đó, trong nước cũng chưa xây dựng được các khu rừng cấp chứng chỉ, trong khi nhiều thị trường nhập khẩu đã đặt ra yêu cầu gỗ có chứng chỉ, nên tình trạng phải nhập khẩu gỗ để đáp ứng yêu cầu là không tránh khỏi.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, Việt Nam hiện có khoảng 2.000 DN và cơ sở sản xuất chế biến gỗ, nhưng chỉ khoảng 300 DN có vốn đầu tư nước ngoài và hơn 400 DN trong nước tham gia xuất khẩu. Trong đó, các DN có vốn đầu tư nước ngoài đóng góp hơn 50% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Cho dù có những bước phát triển tốt về kim ngạch xuất khẩu, song trên thực tế, công nghiệp chế biến gỗ vẫn còn thô sơ và mang nặng tính thủ công. Đại bộ phận DN sản xuất đồ gỗ, nhất là đồ gỗ mỹ nghệ có hệ thống thiết bị lạc hậu, không đáp ứng được yêu cầu của các đơn hàng lớn hay khách hàng có đòi hỏi chất lượng cao.
Thống kê của Bộ Công Thương cũng cho thấy, số DN xuất khẩu từ 100 container/tháng trở lên là rất ít. Với quy mô này, DN chế biến và xuất khẩu sản phẩm gỗ của Việt Nam được đánh giá là không đủ khả năng cạnh tranh với các DN quốc tế, khó thực hiện được những hợp đồng lớn với các đối tác nước ngoài, đặc biệt là các hệ thống phân phối hàng đầu thế giới như Wal- Mart, Carrefour…