Từ đầu tháng 12/2015 đến nay, giá gỗ nguyên liệu rừng trồng trên địa bàn Tây Nguyên liên tục tăng, hiện đang ở mức 1,2 triệu đ/tấn; tăng từ 300.000 – 400.000 đ/tấn so cùng kỳ năm trước.

Vào thời điểm này, về các vùng trồng rừng nguyên liệu giấy lớn ở các huyện như Tuy Đức, Đắk Glong, Krông Nô… luôn bắt gặp cảnh nhộn nhịp của những người đi khai thác gỗ rừng trồng, mọi người đều tỏ ra vui mừng vì giá gỗ nguyên liệu đang ở mức cao.

Đầu ra của gỗ nguyên liệu cũng khá thuận lợi, thương lái đến tận rừng thu mua và tự thu hoạch hoặc người dân khai thác để cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ dăm trong và ngoài tỉnh.

Nhu cầu gỗ nguyên liệu tại các nhà máy chế biến luôn thiếu

Gia đình bà Nguyễn Thị Hoa, ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) vừa thu hoạch được hơn 15 ha rừng trồng. Bà Hoa vui vẻ cho biết: “Gia đình tôi có gần 30 ha rừng nguyên liệu trên địa bàn xã Đắk Ha. Đến thời điểm này, tôi vừa bán 15 ha keo lai với giá bình quân 800.000 đồng/ster gỗ nguyên liệu, tổng doanh thu gần 600 triệu đồng, trừ chi phí, lãi trên 300 triệu đồng”.

Theo UBND xã Đắk Ha, toàn xã đã trồng được khoảng trên 600 ha rừng theo các Dự án trồng rừng 327, 661 của Chính phủ và bà con liên kết trồng rừng với các công ty lâm nghiệp đứng chân trên địa bàn với các giống keo lai, bạch đàn lai, trong đó có hàng trăm ha rừng trồng từ trước năm 2005 đã đến chu kỳ khai thác.

Đến thời điểm hiện nay, giá gỗ nguyên liệu được các nhà máy chế biến gỗ dăm trong tỉnh thu mua ở mức 550.000 đồng/ster gỗ keo có kích cỡ 1,2 m chiều dài và 800.000 đồng/ster có kích cỡ 1,5 m. Theo tính toán của các hộ trồng rừng thì 1 ha rừng nếu được chăm sóc tốt, cây rừng phát triển đều thì có thể cho thu 250 – 300 ster gỗ, với mức giá thu mua như hiện nay, bà con cũng có thu nhập từ doanh thu trung bình đạt 150 – 200 triệu đồng, trừ chi phí, lãi 60 – 70 triệu đồng.

Còn theo ông Nguyễn Văn An, một chủ cơ sở chế biến gỗ rừng trồng ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong) thì hiện nay, ngoài nguồn gỗ cung ứng cho các nhà máy chế biến gỗ dăm trong và ngoài tỉnh thì còn có nhiều thương lái đang lùng thu mua gỗ keo, bạch đàn, xoan vườn có đường kính từ 15 cm trở lên để chế biến gỗ ốp tường, gỗ sàn với giá trên 800.000 đồng/ster.

Qua tìm hiểu thì được biết, trong thời gian qua, giá gỗ nguyên liệu giấy luôn ở mức khá cao là do nhu cầu tiêu thụ và xuất khẩu gỗ dăm tăng khá mạnh. Trong khi đó, trên địa bàn các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Đắk Lắk… đã hình thành hàng chục nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu nên việc cạnh tranh thu mua nguyên liệu khá quyết liệt. Nhiều nhà máy cạnh tranh trong khi nguồn nguyên liệu có hạn nên giá gỗ được đẩy lên khá cao.

Đơn cử, tại Công ty TNHH Mai Khôi có trên 1.600 ha rừng nguyên liệu, nhưng sản lượng gỗ nguyên liệu khai thác hàng năm vẫn không đủ cung cấp cho các nhà máy chế biến gỗ dăm cho thị trường. Do giá gỗ nguyên liệu thời gian gần đây ở mức cao nên người dân tích cực hưởng ứng chương trình trồng rừng, mỗi năm toàn tỉnh Đắk Nông trồng mới từ 2.000 – 3.000 ha rừng nguyên liệu giấy, góp phần tạo việc làm, đem lại thu nhập ổn định cho người dân.

Bên cạnh đó, việc phát triển trồng rừng còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực như tăng độ che phủ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái, phủ xanh đất trống, đồi trọc, điều hòa nguồn nước cho sản xuất nông nghiệp, tránh được tình trạng ao hồ cạn kiệt trong mùa khô hạn…

Có thể nói, khi giá gỗ nguyên liệu giấy tăng cao đã mang lại nguồn thu đáng kể cho người trồng rừng, nhưng do chu kỳ sinh trưởng của cây rừng trồng có thời gian từ 5-6 năm mới cho thu hoạch và giá cả mặt hàng này lại phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường… Do đó, các cấp, ngành chức năng cần hướng dẫn nông dân trồng rừng theo đúng kế hoạch và quy hoạch của địa phương để tránh những hệ lụy không tốt trong quy luật cung cầu, qua đó, giúp cuộc sống của bà con ngày một ổn định hơn với nghề rừng.

Theo dõi
Thông báo của
guest

0 Comments
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận