Nguyên liệu gỗ rừng trồng hiện đạt khoảng 3,2 triệu ha, với trữ lượng gỗ đạt khoảng 60 triệu m3. Sản lượng gỗ nguyên liệu rừng trồng đạt khai thác đạt trên 5 triệu m3/năm, tuy nhiên lượng gỗ này chủ yếu là keo và bạch đàn (loại gỗ khai thác ở độ tuổi từ 6-10 năm, đường kính nhỏ, chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu).
Doanh nghiệp Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn khi xuất sang hai thị trường lớn là Châu Âu và Hoa Kỳ đều bắt buộc phải sử dụng 70% nguyên liệu có chứng chỉ FSC, 30% còn lại là gỗ có nguồn gốc. Ngoài ra, từ tháng 3/2013, doanh nghiệp xuất khẩu gỗ vào EU còn phải gánh thêm đạo luật FLEGT (tăng cường luật pháp, quản lý và thương mại lâm sản) cũng yêu cầu các lô đồ gỗ nhập vào EU phải minh bạch, rõ ràng về nguồn gốc gỗ nguyên liệu mới cho
nhập khẩu.
Tuy nhiên, nguồn gỗ trong nước không phù hợp với nhu cầu sản xuất đồ gỗ xuất khẩu và cũng chưa có chứng chỉ FSC. Hiện nay, trên địa bàn cả nước mới có khoảng 20.000 ha rừng được cấp chứng chỉ, trong đó có 9.900 ha vùng nguyên liệu để phục vụ nhà máy giấy của Nhật tại Quy Nhơn, trên 10 ngàn ha là nguyên liệu của Công ty giấy Bãi Bằng.
Chính vì vậy nguồn nguyên liệu gỗ của Việt Nam bị ảnh hưởng đáng kể từ gỗ nhập khẩu. Lượng gỗ nhập khẩu tương đối lớn chiếm 30-50%. Kim ngạch nhập khẩu gỗ nguyên liệu bằng 30% kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ. Về thị trường nhập khẩu, Việt Nam đang nhập khẩu từ trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hiện nay, chủ yếu nguyên liệu gỗ được nhập khẩu từ Lào và Campuchia nhưng nguồn cung này đang cạn kiệt. Kể từ năm 2005 đến nay, 2 nước Malaysia và Indonesia đã đóng cửa mặt hàng gỗ xẻ, gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Giá nhiều loại gỗ đã tăng bình quân từ 5% – 7%, đặc biệt gỗ cứng đã tăng từ 30% – 40%, làm cho nhiều doanh nghiệp Việt Nam rơi vào tình trạng khó khăn.
Về loại gỗ, gỗ nguyên liệu nhập khẩu chủ yếu có giá trị cao, chất lượng tốt, vì vậy chủ yếu để chế biến đồ gỗ xuất khẩu. Còn phần gỗ nguyên liệu nội địa tham gia phục vụ xuất khẩu chỉ ở mức thấp.
Ngoài ra các nguồn lâm sản ngoài gỗ như tre, mía, song, mây, tinh dầu nhựa, keo… rất phong phú.
Tuy nhiên, để phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến gỗ chỉ có có tre nứa và song mây là hai nguồn nguyên liệu cơ bản. Khác với nguồn nguyên liệu gỗ có thể nhập khẩu, nguồn nguyên liệu tre nứa, song mây phục vụ sản xuất hầu hết được đáp ứng từ trong nước.
Hiện tại nước ta có khoảng 1,4 triệu ha tre, tương đương 6,2 tỷ cây. Trong đó, khoảng 6% diện tích rừng trồng, phần còn lại là rừng tự nhiên. Cả nước có 37 tỉnh có rừng tre tập trung nhưng chỉ có 23 tỉnh có diện tích tre từ 10.000 ha trở lên. Trong số 40 loài tre nứa, có 9 loài có giá trị kinh tế là vầu, lồ ô, tre, tre gai, mạnh tông, luồng, tầm vông, trúc sào, mai và diễn. Các loài tre có giá trị thương mại cao là luồng, trúc và tầm vông. Cả nước có khoảng 30.000 ha mây, phân bố ở 28 tỉnh trên cả nước và hầu hết là mây tự nhiên, diện tích mây trồng rất ít.
Với trữ lượng như hiện nay, nguồn nguyên liệu gỗ rất khó khăn. Về lâu dài, theo Hiệp hội Gỗ và lâm sản cho rằng Chính phủ cần điều chỉnh cơ cấu rừng trồng cho phù hợp, ổn định khoảng 3,8 triệu ha rừng trồng sản xuất vào năm 2020, nâng cao chất lượng rừng để đạt sản lượng gỗ thương phẩm bằng 80% trữ lượng, trong đó có 40% là gỗ lớn. Xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ tập trung ở vùng Đông Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ để cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ cho các khu vực gần nhà máy và cung cấp nguyên liệu gỗ lớn cho ngành công nghiệp chế biến gỗ tại địa phương và khu vực lân cận.
Bên cạnh đó cần đầu tư giải pháp công nghệ để nghiên cứu, tuyển chọn các giống cây cho năng suất cao, chất lượng tốt, có đặc tính phù hợp với sản xuất công nghiệp, đáp ứng nhu cầu sử dụng nguyên liệu trong nước và xuất khẩu.
Để đảm bảo uy tín cho sản phẩm gỗ. Nhà nước cũng cần kiểm soát một cách chặt chẽ nguồn gỗ chuyển tải từ công ty mẹ ở nước ngoài vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Việt Nam, ngăn ngừa việc trốn thuế và lẩn tránh xuất xứ.
Các doanh nghiệp chế biến gỗ Việt Nam nên tập trung phát triển sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ và sản phẩm mây tre và xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm có hiệu quả đối với cả thị trường trong và ngoài nước.