Năm 2016, nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tăng 3 – 5%. Nguyên nhân là thị trường bất động sản trong năm 2016 sẽ khởi sắc, kéo theo nhu cầu sử dụng gỗ nguyên liệu , đồ tiêu dùng gỗ tần bì tại thị trường nội địa sẽ tăng cao.
Theo Tổng cục Hải quan Việt Nam, hai tháng đầu năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 272,2 triệu USD mặt hàng gỗ và sản phẩm, giảm 9,58% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu chủ yếu từ các thị trường châu Á, trong đó Campuchia là thị trường chủ lực, chiếm 13,6% tổng kim ngạch, với 37,1 triệu USD, giảm 7,97%. Đứng thứ hai về kim ngạch là thị trường Lào 31,1 triệu USD, giảm 49,95%, kế đến là Trung Quốc giảm 30,3 triệu USD, giảm 16,61% so với cùng kỳ.
Ngoài ra, Việt Nam còn nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Chile….
Nhìn chung, 2 tháng đầu năm nhập khẩu gỗ và sản phẩm từ các thị trường đều có tốc độ tăng trưởng dương, chiếm 52,1%, trong đó nhập khẩu từ thị trường Nhật Bản tăng mạnh nhất, tăng 2934,35%, tuy chỉ đạt 16,5 triệu USD. Ngược lại, số thị trường với tốc độ tăng trưởng âm chiếm 47,8% và nhập từ Achentina giảm mạnh nhất, giảm 77,88%.
Theo dự đoán của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, trong năm 2016, nhập khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ của Việt Nam sẽ tăng 3 – 5%. Nguyên nhân là thị trường bất động sản trong năm 2016 sẽ khởi sắc, kéo theo nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu gỗ, đồ tiêu dùng gỗ tần bì tại thị trường nội địa sẽ tăng cao. Bên cạnh đó, các nước ASEAN sẽ tăng cường việc xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang thị trường Việt Nam. Ngoài ra, nhu cầu nhập khẩu gỗ nguyên liệu phục vụ sản xuất chế biến tại một số địa phương như Đồng Nai, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương… lớn cũng sẽ làm cho nguồn nhập khẩu gỗ nguyên liệu sẽ tăng cao hơn so với năm 2015.
Tại Hội thảo Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu, chuyên gia Tô Xuân Phúc, chuyên gia tổ chức Forest Trends chia sẻ, gỗ nguyên liệu nhập khẩu đóng vai trò quan trọng trong ngành chế biến gỗ xuất khẩu.
Xu hướng nhập khẩu gỗ nguyên liệu của Việt Nam trong những năm vừa qua cho thấy một số tín hiệu tích cực. Cụ thể: có sự dịch chuyển trong cơ cấu nhập khẩu nguyên liệu, với lượng nhập khẩu các loài gỗ từ các quốc gia có tính hợp pháp của gỗ rất cao như Hoa Kỳ và châu Âu. Bên cạnh đó, có sự dịch chuyển trong cơ cấu nhập khẩu từ các loài gỗ quý có giá trị cao sang các loài gỗ có giá trị thấp hơn….
Quá trình hội nhập đòi hỏi nguồn nguyên liệu nhập khẩu phải “sạch”, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và tuân thủ quy định về tính hợp pháp. Việc ngành gỗ có sự sụt giảm về nhập khẩu gỗ quý có giá trị cao, chuyển sang nhập các loại gỗ có giá trị thấp hơn, đẩy mạnh tiêu thụ gỗ nguyên liệu nội địa được coi là cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam trong thời kỳ hội nhập.
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, bức tranh tổng quan về Việt Nam nhập khẩu gỗ nguyên liệu trong những năm vừa qua cho thấy một số mặt hạn chế của ngành gỗ như sau: Số lượng lớn các loài (170 loài) và quốc gia, vùng lãnh thổ (70 – 90) nhập khẩu vào Việt Nam là một thách thức vô cùng lớn đối với việc kiểm tính hợp pháp của nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu. Bên cạnh đó, hiện còn tồn tại ít nhất 2 rủi ro cơ bản về tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu nhập khẩu vào Việt Nam gồm: Lượng gỗ quý nhập khẩu có nguồn gốc từ rừng tự nhiên vẫn ở mức cao, nhiều loài nằm trong nhóm đang bị hạn chế về mặt thương mại. Bên cạnh đó, nhập khẩu gỗ nguyên liệu từ các nước khu vực tiểu vùng sông Mê Kông và châu Phi có độ rủi ro cao.
Để thực hiện điều này, nhóm nghiên cứu kiến nghị, Việt Nam cần chuẩn bị danh sách tất cả các loại gỗ nguyên liệu được nhập khẩu vào thị trường nội địa. Ngoài ra, cần có kênh thông tin trao đổi với các doanh nghiệp trực tiếp tham gia vào nhập khẩu gỗ nguyên liệu để giúp cơ quan quản lý có bức tranh toàn diện hơn, từ đó xác định các cơ chế kiểm soát gỗ nhập khẩu hiệu quả trong tương lai.