Trong những năm gần đây vấn đề ô nhiễm môi trường thực sự là một điều khiến nhiều người dân cũng như các cơ quan chức năng lo ngại và không nhưng tìm ra các giải pháp để khắc phục. Vậy đâu là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay làm ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu bài viết dưới đây để biết được những nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường của nước ta và cách khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường nhé.
Do chất thải từ các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp.
Trong nước có rất nhiều khu công nghiệp được xây dựng để hưởng ứng quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, các khu công nghiệp lại chưa được đầu tư đúng cách, hiệu quả làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường trở nên trầm trọng hơn do các hoạt động xả thải của chúng. Quá trình hoạt động của các khu công nghiệp là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường không thể cứu vãn được.
Các khu công nghiệp tại Việt Nam chưa xây dựng được một hệ thống xử lý chất thải đảm bảo an toàn hay thậm chí có những doanh nghiệp còn không có, vì lợi nhuận, họ thải chất thải trực tiếp ra môi trường bên ngoài gây nên tình trạng ô nhiễm nước, không khí và đất tại các khu vực xung quanh làm ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người dân.
Do hóa chất bảo vệ thực vật và chất độc hóa học.
Nền kinh tế phát triển dẫn đến ứng dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nông nghiệp, để đảm bảo mùa vụ người dân đã quá lạm dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây trồng. Phun lượng lớn các hóa chất vào các loại cây trồng không chỉ làm ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khi tiêu dùng sản phẩm mà còn gây ô nhiễm môi trường đất khi một lượng lớn thuốc không được cây trồng hấp thụ hết.
Theo bộ tài nguyên môi trường, hiện tượng thoái hóa, ô nhiễm đất đang làm ảnh hưởng đến 50% diện tích đất toàn quốc, trong đó phần lớn là nhóm đất đồi núi nằm ở các khu vực nông thôn. Một số loại hình thoái hóa đất đang diễn ra trên diện rộng ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, ví dụ như rửa trôi, xói mòn, hoang hóa, phèn hóa, mặn hóa, khô hạn, ngập úng, lũ quét và xói lở đất.
Trong đó, việc sử dụng bất hợp lý các loại hóa chất trong sản xuất và xả thải trực tiếp ra môi trường không qua xử lý là nguyên nhân chính gây ra các vấn đề ô nhiễm đất ở nông thôn. Đáng báo động hiện nay là tình trạng lạm dụng các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) trong nông nghiệp.
Do các chất thải rắn.
Quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa làm cho nền kinh tế nước ta phát triển, nhiều cơ sở sản xuất lớn ra đời phục vụ nhu cầu sử dụng các sản phẩm vật chất ngày càng lớn của người dân. Chính điều này làm tiền đề cho sự gia tăng một lượng lớn rác thải rắn bao gồm: Chất thải sinh hoạt, chất thải công nghiệp, chất thải y tế, chất thải nông nghiệp, chất thải xây dựng, v.v… Theo báo cáo năm 2004 về chất thải rắn thì trên cả nước có khoảng 15 triệu tấn/năm, trong đó khoảng hơn 150.000 tấn là chất thải nguy hại. Dự báo đến năm 2010 lượng chất thải rắn có thể tăng từ 24% đến 30%.
Nguồn gốc chất thải rắn có thể từ sinh hoạt của người dân, từ các khu công nghiệp hay từ các cơ sở y tế. Có thể nói, do một thời gian dài trước đây chúng ta chưa thực sự quan tâm đến vấn đề xử lý chất thải, bảo vệ môi trường mà chỉ tập trung phát triển kinh tế và đáp ứng nhu cầu của cuộc sống, nguy cơ ô nhiễm môi trường do các chất thải gây ra đã và đang trở thành một vấn đề cấp bách trong công tác bảo vệ môi trường ở nước ta hiện nay.
Chất thải thải ra không được xử lý an toàn đã tích tụ lâu dài trong môi trường, gây ô nhiễm đất, nước mặn, nước ngầm và không khí, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ con người. Ví dụ điển hình như: Khu vực xã Thạch Sơn, Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ, thị trấn Mỹ Đức thành phố Hải Phòng, một số khu vực tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật, v.v…
Do bụi, khói,…
Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ô nhiễm không khí. Tình trạng, khói bụi bay mù mịt rất thường xảy ra tại các thành phố lớn, nơi tập trung các khu công nghiệp, có mật độ xe cộ đông đúc. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học về các chất khí thải xe cơ giới, khói bụi gây ô nhiễm không khí vào những tháng ít mưa có tính a-xít. Khói bụi có tính a-xít tác động xấu đến sức khỏe con người, nhất là khi bị phơi nhiễm trong thời gian dài.
Bụi mịn là yếu tố gây ô nhiễm không khí nguy hiểm nhất, nó có kích thước rất nhỏ vì thế chúng tồn tại rất lâu trong không khí và phát tán rất xa. Mũi và đường hô hấp trên chỉ có khả năng loại các hạt bụi có kích thước lớn hơn 2,5 mm, nên bụi mịn dưới kích thước này xâm nhập rất sâu vào phổi, thậm chí vào máu gây nên một số bệnh về hô hấp hay các loại bệnh như vô sinh, tim mạch rất nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Các quá trình tạo ra các khí gây ô nhiễm môi trường là quá trình đốt nhiên liệu động cơ: CO, CO2, SO2, NOx, Pb,CH4 Các bụi đất đá cuốn theo trong quá trình di chuyển. Nếu xét trên từng phương tiện thì nồng độ ô nhiễm tương đối nhỏ nhưng nếu mật độ giao thông lớn và quy hoạch địa hình, đường xá không tốt thì sẽ gây ô nhiễm nặng cho hai bên đường. Ngoài ra việc tạo ra khói bụi còn do các hoạt động khác của con người như hoạt động sinh hoạt hằng ngày sử dụng than, hay các chất đốt…cũng góp phần gây nên ô nhiễm không khí trầm trọng.
Thiếu sót trong khâu quản lý của nhà nước.
Để tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng như hiện nay thì trách nhiềm từ phía các cơ quan chức năng là không thể chối bỏ. Chất lượng, hiệu lực, hiệu quả các công cụ, biện pháp quản lý nhà nước về môi trường còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu; hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước chưa cao, đặc biệt trong phòng ngừa, kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Các hoạt động bao che, tham ô hối lộ để bỏ qua các hành động sai trái của các đơn vị vi phạm đã vô tình làm cho môi trường bị ô nhiễm đến mức khó có thể phục hồi được. Các cơ quan chức năng cần có các biện pháp cụ thể và cấp thiết để có thể giảm thiểu tối đa những tác nhân gây ô nhiễm môi trường đồng thời đánh thức ý thức trách nhiệm của từng người dân trong công cuộc bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp.
Cám ơn các bạn đã xem bài viết của chúng tôi.
,