Người sử dụng lao động phải bảo đảm nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng, độ sáng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác.
I/ Các biện pháp về an toàn lao động, vệ sinh lao động, ngăn ngừa sự cố
– Việc xây dựng mới hoặc mở rộng, cải tạo cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ và tàng trữ các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động, phải có luận chứng về các biện pháp bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động và môi trường xung quanh theo quy định của pháp luật.
– Việc sản xuất, sử dụng, bảo quản, vận chuyển các loại máy, thiết bị, vật tư, năng lượng, điện, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật, việc thay đổi công nghệ, nhập khẩu công nghệ mới phải được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động. Các loại máy, thiết bị, vật tư, các chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, vệ sinh lao động phải được đăng ký và kiểm định theo quy định của Chính phủ.
II/ Tiêu chuẩn về an toàn lao động, vệ sinh lao động
– Người sử dụng lao động phải bảo đảm nơi làm việc đạt tiêu chuẩn về không gian, độ thoáng, độ sáng, đạt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép về bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung và các yếu tố có hại khác. Các yếu tố đó phải được định kỳ kiểm tra đo lường.
– Những quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động được Nhà nước thống nhất quy định và tiêu chuẩn hóa.
Có hai loại tiêu chuẩn: tiêu chuẩn cấp Nhà nước và tiêu chuẩn cấp ngành.
- Tiêu chuẩn cấp Nhà nước là tiêu chuẩn bắt buộc thi hành cho nhiều ngành, nhiều nghề trong phạm vi cả nước. Các tiêu chuẩn này do Chính phủ hoặc cơ quan được Chính phủ ủy quyền ban hành. Đối tượng áp dụng tiêu chuẩn này bao gồm tất cả các cơ sở tư nhân, tổ chức sản xuất kinh doanh dịch vụ, nghiên cứu khoa học; các cơ quan Nhà nước, các tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang có sử dụng, vận chuyển, lưu giữ máy thiết bị, vật tư, chất phóng xạ, thuốc nổ, hóa chất, nhiên liệu, điện,… có sử dụng lao động trên lãnh thổ Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế, không phân biệt quy mô tổ chức lớn hay nhỏ, nhiều hay ít lao động và người quản lý là công nhân Việt Nam hay nước ngoài.
- Tiêu chuẩn cấp ngành, cấp cơ sở là tiêu chuẩn do cơ quan quản lý cấp ngành ban hành phù hợp với các tiêu chuẩn của Nhà nước và có giá trị bắt buộc thi hành trong phạm vi đối tượng mà tiêu chuẩn quy định áp dụng.
– Dựa trên những tiêu chuẩn này, các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động xây dựng hệ thống tiêu chuẩn cho phù hợp với đơn vị minh. Việc tuân theo những tiêu chuẩn an toàn lao động, vệ sinh lao động do Chính phủ ban hành là đảm bảo cần thiết và quan trọng để phòng ngừa sự cố xảy ra.
III/ Các biện pháp phòng hộ bảo vệ người lao động chống lại rủi ro
1 – Trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân
– Phương tiện bảo vệ cá nhân là những dụng cụ phương tiện mà trong quá trình lao động, người lao động được trang bị miễn phí để ngăn ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.
Người lao động, không phân biệt công dân Việt Nam hay người nước ngoài, trong mọi thành phần kinh tế, làm những công việc, những nơi có yếu tố nguy hiểm, độc hại đều được người sử dụng lao động trang bị các phương tiện cá nhân cần thiết cho việc phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Người lao động có trách nhiệm sử dụng những phương tiện bảo vệ cá nhân để tự bảo vệ mình (như khẩu trang, khăn tay, ủng, giày, kính mũ, nút tai, yếm da, dây an toàn, mặt nạ phòng độc, mặt nạ có bình oxy, quần áo amiăng, quần áo chống a xít, chống phóng xạ, bao phơi… ) và có trách nhiệm bảo quản tốt các phương tiện bảo vệ cá nhân được cấp phát.
– Người sử dụng lao động có trách nhiệm trang bị cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân đúng tiêu chuẩn về chất lượng, quy cách và phải kiểm tra định kỳ để đánh giá lại chất lượng của các phương tiện đó. Người sử dụng lao động phải chịu trách nhiệm về những hậu quả xảy ra do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các yêu cầu nói trên.
– Các nhà sản xuất, nhập khẩu phương tiện bảo hộ cá nhân có trách nhiệm bảo đảm đúng tiêu chuẩn Nhà nước đã ban hành và phải chịu trách nhiệm về những hậu quả gây ra cho người sử dụng do phương tiện bảo hộ cá nhân không đảm bảo tiêu chuẩn.
– Trong thực tế, một số người lao động chưa thấy hết ý nghĩa nên không tích cực sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, thậm chí có người cho là đeo kính bảo hộ, đeo khẩu trang… thì khó chịu, gò bó. Do đó, quy định này đòi hỏi sự phấn đấu của cả người sử dụng lao động và người lao động thì mới đảm bảo thực hiện nghiêm túc.
2 – Khám sức khỏe
– Người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi tuyển dụng lao động, và phải bố trí công việc phù hợp với sức khỏe của người lao động. Người lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (đối với người lao động bình thường ít nhất một lần trong một năm, đối với người làm công việc nặng nhọc, độc hại ít nhất 6 tháng một lần).
– Người lao động phải được điều trị, điều dưỡng chu đáo khi bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp.
– Người sử dụng lao động phải chịu chi phí cho việc kiểm tra, khám sức khỏe nói trên.
3 – Huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động
– Trước khi nhận việc, người lao động phải được huấn luyện về an toàn lao động, vệ sinh lao động ít nhất trong công việc sẽ làm và phải được kiểm tra, huấn luyện bổ sung trong quá trình lao động.
– Những nhân viên quản lý cũng phải được huấn luyện và hướng dẫn về những quy định pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động ít nhất trong ngành sản xuất kinh doanh đang hoạt động.
4 – Bồi dưỡng bằng hiện vật
– Người lao động không phân biệt giới tính, tuổi tác, nơi làm việc khi làm công việc có yếu tố nguy hại vượt tiêu chuẩn vệ sinh cho phép thì được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật.
– Khi áp dụng chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:
- Công việc, môi trường có yếu tố, mức độ độc hại như nhau thì mức bồi dưỡng ngang nhau;
- Hiện vật dùng để bồi dưỡng phải là những loại thực phẩm, hoa quả, nước giải khát v.v . . . góp phần phục hồi sức khỏe, tăng sức đề kháng của cơ thể, giảm bớt khả năng xâm nhập của chất độc vào cơ thể hoặc giúp cho quá trình thải nhanh chất độc ra ngoài.
- Cấm trả tiền thay bồi dưỡng bằng hiện vật và việc bồi dưỡng phải được thực hiện tại chỗ theo ca làm việc.
5 – Các biện pháp khác
Quy định về thời giờ làm việc hợp lý
– Đảm bảo mối quan hệ hợp lý giữa thời giờ làm việc và thời giờ nghỉ ngơi cho người lao động.
– Áp dụng ngày làm việc rút ngắn đối với một số công việc mà mức độ nguy hiểm, độc hại cao (ví dụ: thợ lặn, người làm việc trong hầm mỏ. . . ).
– Tùy từng loại công việc có mức độ nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm mà quy định độ dài của ca làm việc, thời gian nghỉ giữa ca cho phù hợp.
– Hạn chế hoặc không áp dụng chế độ làm ca đêm, làm thêm giờ đối với một số đối tượng, một số loại công việc mà pháp luật đã quy định.
Quyền từ chối làm việc, rời khỏi nơi làm việc khi thấy xuất hiện nguy cơ
– Người lao động có quyền từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình (nhưng phải báo ngay với người phụ trách trực tiếp) mà không coi là vi phạm kỷ luật lao động.
– Người sử dụng lao động phải xem xét ngay, kịp thời thực hiện các biện pháp khắc phục hoặc ra lệnh ngừng hoạt động đối với nơi đó cho tới khi nguy cơ được khắc phục. Trong thời gian nguy cơ chưa được khắc phục thì không được buộc người lao động tiếp tục làm việc hoặc trở lại nơi làm việc đó.
Phải có các phương án dự phòng xử lý sự cố, cấp cứu
– Đối với nơi làm việc dễ gây tai nạn lao động, người sử dụng lao động phải trang bị sẵn những phương tiện kỹ thuật, y tế thích hợp như xe cấp cứu, bình ô xy, nước chữa cháy, cáng… để đảm bảo ứng cứu kịp thời khi xảy ra sự cố.
Vệ sinh sau khi làm việc
– Người lao động làm việc ở những nơi có yếu tố dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng nhất là nơi dễ gây ra tai nạn hóa chất, người làm công việc khâm liệm trong nhà xác, chữa trị những bệnh hay lây…
Ngoài phương tiện bảo vệ cá nhân trong khi làm việc, khi hết giờ làm việc phải được thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng, vệ sinh cá nhân như tắm rửa bằng xà phòng, khử độc quần áo và phương tiện dụng cụ tại chỗ theo quy định của Bộ Y tế.