Nước sinh hoạt được mang bán, đưa ra thị trường sẽ được quản lý và vận hành như một sản pẩm hàng hoá. Tuy nhiên việc kiểm định chất lượng và quản lý nước hiện nay còn đang “bỏ ngỏ” bởi tình trạng “cha chung không ai khóc”, gây ra sự hoang mang trong nhân dân khi chất lượng nguồn nước sinh hoạt đang ngày càng bị ô nhiễm nghiêm trọng…
Trạm cấp nước nhỏ không đủ tiêu chuẩn
Trở lại thông tin kiểm tra chất lượng nước của Bộ y tế tiến hành cách đây hơn 1 năm cho thấy, hầu hết các trạm cấp nước nhỏ tại một số khu dân cư, khu đô thị, cao tầng đều không đảm bảo chất lượng nước sinh hoạt và đang bị ô nhiễm. Đoàn công tác của Bộ Y tế đã tiến hành kiểm tra chất lượng nước của 16 nhà máy nước, 7 trạm cấp nước và giám sát chất lượng nước tại một số hộ gia đình ở 6 quận nội thành Hà Nội. Qua xét nghiệm, cơ quan y tế đã phát hiện một số mẫu nước không đạt các chỉ tiêu chất lượng như nồng độ Clo dư cao hơn mức cho phép và nhiều mẫu nước quận Hoàng Mai không đạt tiêu chuẩn về Amoni và Pecmanganat.
Đáng chú ý, qua kiểm tra và xét nghiệm mẫu nước lấy tại Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 đã phát có nồng độ Asen cao gấp gần 4 lần ngưỡng cho phép. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long lúc đó đã đề nghị UBND TP Hà Nội cho dừng ngay hoạt động của Trạm cấp nước Mỹ Đình 2 và có giải pháp tạo điều kiện cho các hộ dân ở đây được sử dụng nước sạch của nhà máy nước do thành phố quản lý. Đồng thời phải yêu cầu đơn vị này cải tiến công nghệ lọc, giám sát chặt chẽ khi nào đảm bảo chất lượng mới cho hoạt động trở lại.
Đánh giá về vấn đề này, ông Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) cho rằng như vậy, một số trạm cấp nước nhỏ lẻ được xây dựng ở các khu đô thị mới, khu chung cư chưa được đảm bảo. Nguyên nhân là di chúng ta chưa có các quy định chung cho những trạm cấp nước nhỏ lẻ tại các khu đô thị. Bên cạnh đó, những trạm cấp nước nhỏ lẻ có công nghệ xử lý chưa đạt yêu cầu nên chất lượng nước không đảm bảo.Đặc biệt, tại Khu đô thị Nam Đô (quận Hoàng Mai, Hà Nội), đoàn công tác đã phát hiện bể chứa nước ngầm của khu đô thị này khá bẩn, đặc biệt có nhiều gián, ruồi, muỗi… bám quanh thành bể. Trước đó, cơ quan y tế đã tiến hành lấy và xét nghiệm 15 mẫu nước tại khu đô thị Nam Đô cho thấy, cả 15 mẫu không đạt chỉ tiêu pecmanganat và clo dư, 4/15 mẫu nước tại hộ gia đình không đạt chỉ tiêu nitrit và đặc biệt mẫu nước tại bể chứa trên nóc tòa nhà có sự tồn tại của vi khuẩn gây hại colifom.
Ai sẽ chịu trách nhiệm?
Để xác định chất lượng nước sinh hoạt có đạt chuẩn hay không, Bộ Y tế đã ban hành quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT và QCVN 02:2009/BYT. Trong đó, quy chuẩn QCVN 01:2009/BYT đưa ra 109 chỉ tiêu, mỗi chỉ tiêu đều đưa ra các mức độ đánh giá cụ thể. Từ các tiêu chuẩn đó, các cơ quan chức năng có thể đánh giá, kiểm tra chất lượng nguồn nước và tiêu chuẩn xây dựng nhà máy, trạm cấp nước. Đồng thời, cũng là cơ sở để người tiêu dùng tự kiểm tra đánh giá chất chất lượng nước đang sử dụng.
Tuy nhiên, trên thực tế, để có một sản phẩm nước đủ chất lượng đưa ra thị trường có tới 3 bộ quản lý, đó là bộ Xây dựng, Tài nguyên môi trường và Y tế. Tức là khi nguồn nước được đưa vào sử dụng phải qua khâu kiểm tra của Bộ Y tế. Bộ Xây dựng thực hiện xây hạ tầng cấp nước, mà hạ tầng không đảm bảo chất lượng nước cũng bị ảnh hưởng. Bộ Tài nguyên – Môi trường liên quan đến quản lý nguồn nước, cấp phép có được sử dụng nguồn nước ở khu vực đó để xử lý làm trạm cấp hay không? Như vậy, với những sai phạm của các đơn vị thi công các trạm cấp nước sinh hoạt như thông tin kiểm tra của Bộ Y tế thì mỗi bộ đều có “dính” trách nhiệm quản lý từ ơ sở hạ tầng không đảm bảo, nguồn nước sử dụng không đảm bảo đến chất lượng sản phẩm nước không đảm bảo. Như vậy, tình trạng quản lý chất lượng nước sinh hoạt vẫn “không thể quy trách nhiệm”!
Để giải quyết vấn đề này, theo ông Doãn Ngọc Hải, trước hết phải có quy định cụ thể đối với trạm cấp nước nhỏ lẻ trong các khu đô thị mới. Bởi lẽ, Bộ Y tế đã có Thông tư 15/2006/TT-BYT quy định việc kiểm tra vệ sinh nguồn nước đối với các mô hình sản xuất, cung cấp và sử dụng nước khác nhau nhưng chỉ có thể bao phủ trong một phạm vi hẹp quanh nguồn nước đầu vào (tối đa 350m đối với nguồn nước ngầm, 200m đối với nguồn nước sông và 300m đối với hồ chứa nước) nhưng các trạm cung cấp nước nhỏ thể không đủ trình độ công nghệ để xử lý khi nước bị ô nhiễm.
Mặt khác, ngành Y tế cũng cần có thanh tra chuyên trách về chất lượng nước sinh hoạt. Cần nâng cao năng lực kiểm định chất lượng của các Trung tâm Y tế dự phòng vì hiện nay một số Trung tâm Y tế dự phòng chỉ xét nghiệm được chỉ tiêu giám sát nhóm B và chưa làm được hầu hết các chỉ tiêu nhóm C. Về phía Bộ TNMT cũng cần tăng cường kiểm tra giám sát và kiên quyết không cấp phép sử dụng nguồn nước có dấu hiệu ô nhiễm để sử dụng làm nước sinh hoạt nếu không có đầy đủ yêu cầu về công nghệ và năng lực thực hiện.