Nghị định số 60 quy định một số điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016, quy định tổ chức, cá nhân đăng ký cấp giấy phép xử lý chất thải nguy hại phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 9 Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu và các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý liên quan đến điều kiện cấp phép xử lý chất thải nguy hại.
Theo Nghị định số 60, các phương tiện, thiết bị lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại (kể cả sơ chế, tái chế, đồng xử lý, thu hồi năng lượng từ chất thải nguy hại) phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý.
Cụ thể, các thiết bị lưu chứa (có vỏ cứng với cỡ lớn hơn các bao bì thông thường, như các bồn, bể…) để bảo quản chất thải nguy hại phải có vỏ có khả năng chống được sự ăn mòn, không bị gỉ, không phản ứng hóa học với chất thải nguy hại chứa bên trong, có khả năng chống thấm hoặc thẩm thấu; kết cấu cứng chịu được va chạm; có dấu hiệu cảnh báo theo quy định…
Phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại phải có hệ thống định vị vệ tinh (GPS) được kết nối mạng thông tin trực tuyến để xác định vị trí và ghi lại hành trình vận chuyển.
Một phương tiện, thiết bị chỉ được đăng ký cho một giấy phép xử lý chất thải nguy hại, trừ các phương tiện vận chuyển đường biển, đường sắt, đường hàng không.
Công trình bảo vệ môi trường tại cơ sở xử lý chất thải nguy hại và trạm trung chuyển chất thải nguy hại (nếu có) phải đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật, quy trình quản lý.
Cụ thể, khu trung chuyển chất thải nguy hại ở thể lỏng phải có tường, đê, hoặc gờ bao quanh toàn bộ hoặc từng phần của khu vực hoặc một biện pháp cách ly thứ cấp khác để dự phòng phát tán ra ngoài môi trường trong trường hợp có sự cố. Khu trung chuyển chất thải nguy hại dễ cháy, nổ phải bảo đảm khoảng cách không dưới 10m với lò đốt, lò hơi và các thiết bị đốt khác.
Nghị định quy định rõ tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý chất thải nguy hại phải xây dựng đầy đủ các nội dung về quy trình vận hành an toàn các hệ thống, phương tiện, thiết bị; các kế hoạch về kiểm soát ô nhiễm và bảo vệ môi trường, an toàn lao động và bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa và ứng phó sự cố, đào tạo, tập huấn định kỳ hàng năm, xử lý ô nhiễm và bảo vệ môi trường khi chấm dứt hoạt động; chương trình giám sát môi trường, giám sát vận hành xử lý và đánh giá hiệu quả xử lý chất thải nguy hại.
Đồng thời, tổ chức, cá nhân đăng ký cấp phép xử lý chất thải nguy hại phải lập các bảng hướng dẫn dạng rút gọn hoặc dạng sơ đồ về quy trình vận hành an toàn với kích thước phù hợp và lắp đặt tại vị trí thuận tiện để quan sát trên phương tiện vận chuyển, trong cơ sở xử lý và trạm trung chuyển chất thải nguy hại (nếu có).